Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu trên toàn cầu trong thời đại 4.0. Tuy nhiên, không phải bất kỳ doanh nghiệp, tổ chức nào cũng hiểu về hoạt động này cũng như những lợi ích mà nó mang lại.
1. Nhiều doanh nghiệp thừa nhận không biết về chuyển đổi số
Khảo sát Thực trạng ứng dụng của chuyển đổi số 2022-2023 được thực hiện bởi WalkMe đã cho thấy, không ít các tổ chức và doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc hiểu và ứng dụng chuyển đổi số vào thực tiễn.
Gần 1.500 nhà lãnh đạo doanh nghiệp quy mô trên 500 nhân sự chưa thực sự nắm được chuyển đổi số nghĩa là gì? Cùng với đó, 70% người đứng đầu đơn vị không biết chính xác người chịu trách nghiệm về việc ứng dụng công nghệ và hoạt động quản lý, sản xuất. 67% trong số đó thừa nhận đang đối mặt với áp lực để thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số.
Có khoảng 60% giám đốc điều hành thừa nhận cách thức quản lý của họ không còn phù hợp với mục tiêu doanh nghiệp. Điều này đang cho thấy sự thiếu nhận thức và hiểu biết của ban lãnh đạo doanh nghiệp về chuyển đổi số. Tuy vậy, họ vẫn bày tỏ sự lo lắng về vấn đề này và e ngại trước các rủi ro có thể xảy đến.
Cùng với đó, báo cáo nghiên cứu thị trường của Gartner chỉ ra rằng 55% doanh nghiệp cảm thấy tiếc nuối về chi phí đầu tư cho công nghệ kỹ thuật số. Đa số các doanh nghiệp này lại không thuộc lĩnh vực IT.
Chuyển đổi số là xu hướng toàn cầu
Không chỉ dừng lại ở thực trạng thiếu hiểu biết về chuyển đổi số, thực tế doanh nghiệp cũng thiếu nhân lực có khả năng khai thác hiệu quả hoạt động này. Cùng lúc, nhà lãnh đạo gặp khó khăn khi tìm giải pháp cho tổ chức thích nghi với xu hướng mới của thế giới, nhiều cơ hội đã mở rộng giúp những người thiếu thông tin có thể tham gia vào xu thế toàn cầu.
2. Lợi ích chuyển đổi số mang lại
Có nhiều yếu tố khẳng định việc tại sao doanh nghiệp phải chuyển đổi số. Việc ứng dụng một cách hiệu quả các công nghệ kỹ thuật số mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích:
Tiết kiệm chi phí hoạt động: Thủ tục, hoạt động truyền thống cần nhiều giấy tờ thủ công và chi phí nhân lực giờ đây đã dần được thay thế bằng công nghệ. Nhờ đó, hoạt động diễn ra trơn tru, hiệu quả và tiết kiệm chi phí đáng kể.
Tối ưu hoá quy trình và năng suất làm việc: Với sự hỗ trợ của công nghệ, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp được tối ưu hoá, rút ngắn quy trình. Năng suất làm việc của người lao động được tăng cao ngay cả khi gặp các khó khăn như dịch bệnh…
Tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn: Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của khách hàng, tối ưu trải nghiệm người dùng và tiếp cận được đối tượng tiềm năng…
Nâng cao khả năng cạnh tranh: Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp bắt kịp các xu hướng kinh doanh mới, dễ dàng vượt qua các khó khăn, tối ưu chất lượng sản phẩm, dịch vụ để cạnh tranh tốt hơn.
Chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp
Tăng sự minh bạch trong hoạt động quản trị: Chuyển đổi kỹ thuật số giúp doanh nghiệp khai thác tiềm năng từ nhân sự. Số liệu thể hiện chất lượng công việc được thu thập và báo cáo chính xác. Người lao động từ đó được tăng cao tính tự giác và nỗ lực nâng cao chất lượng làm việc.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp: Đầu tư vào chuyển đổi số đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang chú trọng vào xây dựng văn hoá đổi mới. Nhân viên có thể cởi mở hơn với việc tái cơ cấu tổ chức hoạt động, không ngại thử nghiệm các ý tưởng mới và đóng góp vào hoạt động.
Có thể thấy rằng, với tầm quan trọng của chuyển đổi số, doanh nghiệp giờ đây cần nhanh chóng nâng cao hiểu biết, nhận thức về hoạt động này. Hiểu rõ ý nghĩa chuyển đổi số giúp nhà lãnh đạo và các phòng ban xây dựng chiến lược phát triển phù hợp cho doanh nghiệp.